Menu

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

GÓC NHÌN


LTS: Trong nhiều vấn đề được trình bày, thảo luận tại hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư (diễn ra tại Hà Nội từ 26 – 28.11.2012), Biển Đông là đề tài nóng, thu hút sự quan tâm của nhiều người trong tổng số 1.500 học giả, nhà nghiên cứu tham dự hội thảo đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài đề tài liên quan đến Biển Đông, các vấn đề khác thuộc các lĩnh vực văn hoá, lịch sử, xã hội... Việt Nam cũng thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Trong số báo này, Sài Gòn Tiếp Thị xin giới thiệu sơ lược hai trong nhiều nội dung đã trình bày tại hội thảo trên.
Biển Đông tại hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư
Ba kịch bản cho tương lai
SGTT.VN - Vấn đề biển Đông thu hút đông đảo các học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước hưởng ứng, tham dự và tranh luận. Tại phiên hội thảo ngày 26 – 27.11.2012, đã có gần 20 bài tham luận về hợp tác quốc tế trên các phương diện kinh tế, an ninh – chính trị, xã hội, và luật quốc tế nhằm giải quyết xung đột trên Biển Đông. Có rất nhiều nhận định được đưa ra “mổ xẻ” cùng với các dự báo về tương lai, triển vọng giải quyết xung đột cho vùng biển này.
Thực tế cho thấy thời gian qua, Trung Quốc đã thực hiện rất nhiều các tuyên bố, động thái mang tính đơn phương đối với Biển Đông, bất chấp luật quốc tế, dư luận quốc tế và phản ứng của các quốc gia có liên quan. Ảnh: internet
Nhận định về tương lai của Biển Đông, TS Nguyễn Mạnh Hùng (ĐH George Mason, Mỹ) nhấn mạnh yếu tố Trung Quốc trong “ba kịch bản” tương lai cho vùng Biển Đông. Thứ nhất, Trung Quốc cố tình tạo ra “sự đã rồi” (mà theo ông Hùng, in hình bản đồ đường lưỡi bò lên hộ chiếu là một điển hình) nhằm nỗ lực thực hiện chiến lược bá quyền của mình tại khu vực Biển Đông nói riêng, và cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Thực tế hiện nay, xét về thế lẫn lực thì đây là kịch bản rất dễ xảy ra và Trung Quốc đang từng bước hiện thực hoá âm mưu này.
Thứ hai, Trung Quốc quyết định bắt tay với Hoa Kỳ nhằm “chia đôi Biển Đông”. Đã có ý kiến cho rằng rất có thể một cuộc đụng độ giữa hai “con voi” theo kiểu chiến tranh lạnh lần hai sẽ diễn ra. Tuy nhiên, tính đến hiện nay thì việc đụng độ chưa có dấu hiệu xảy ra. Bên cạnh đó, nếu xét về góc độ lợi thế tương đối (hay lợi thế so sánh) thì việc bắt tay sẽ là trường hợp giúp cả Hoa Kỳ và Trung Quốc hạn chế tối đa những tổn thương không cần thiết. Kịch bản này xảy ra khi cả hai phát hiện ra những lợi ích chung có thể thuyết phục họ ngồi vào bàn đàm phán. Như thế, với vị thế là nước nhỏ trong “bộ phim” hai “con voi” chơi đùa với nhau, thì ASEAN mà điển hình là Việt Nam, Philippines sẽ chỉ có thể vào “vai diễn phụ” trong kịch bản này.
Cả hai kịch bản vừa nêu, xét ở góc độ ASEAN và đặc biệt là Việt Nam thì lợi bất cập hại. Thế nên kịch bản thứ ba chính là tất cả các nước ASEAN đưa yếu tố lợi ích khu vực lên hàng đầu, nhằm tạo thế cân bằng quyền lực để có thể tự chủ trong giải quyết vấn đề Biển Đông mà không nằm trong sự chi phối của quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc. Khi đó, giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua giải pháp “thể chế hoá” (dùng khung pháp lý hay luật quốc tế để ràng buộc hành động các bên tranh chấp trong khuôn khổ ứng xử về vấn đề Biển Đông), hoàn toàn có thể thực hiện được nhờ vào khả năng so sánh sức mạnh giữa ASEAN và dư luận thế giới đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, cũng theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, để kịch bản “đẹp nhất” có thể diễn ra đối với các nước nhỏ ASEAN thì cần thiết ba yêu cầu xét trong ngắn hạn lẫn lâu dài. Thứ nhất khả năng đoàn kết của nội khối ASEAN được xem là yếu tố căn cơ. Nếu yếu tố này được giải quyết thì đó sẽ là một thành công rất lớn của tất cả các nước ASEAN không chỉ ở vấn đề Biển Đông, mà còn là tiền đề cho một tổ chức khu vực đúng nghĩa tương lai.
Thứ hai, Trung Quốc cần nhất thiết kiềm chế hành động của mình trong quá trình giải quyết tranh chấp lẫn việc thực hiện tham vọng bá quyền trong khu vực.
Thực tế cho thấy thời gian qua, Trung Quốc đã thực hiện rất nhiều các tuyên bố, động thái mang tính đơn phương bất chấp luật quốc tế, dư luận quốc tế và phản ứng của các quốc gia có liên quan. Điều này khiến việc giải quyết vấn đề Biển Đông càng trở nên phức tạp, các bên khó có nền tảng để ngồi vào bàn đàm phán.
Cuối cùng, Hoa Kỳ phải có những cam kết nhất định với khu vực ASEAN. Chính sách xoay trục của Hoa Kỳ sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã được biết đến từ lâu, tuy nhiên ngoài các nỗ lực về hợp tác kinh tế và các tuyên bố mang tính thể hiện quan điểm, thì tới thời điểm này, Hoa Kỳ chưa thể hiện được vai trò của mình với các nước ASEAN trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. Điều đó khiến các nước nhỏ ASEAN, trong đó có Việt Nam, rơi vào thế “lưỡng nan” khi khó xác định Hoa Kỳ sẽ là ai trong cuộc chơi này.
THẮNG NGUYỄN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét