Menu

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Vất vả mưu sinh cùng "ổ chó"


SGTT.VN - Cách đây gần sáu năm, vào một buổi trưa nắng gắt năm 2006, tôi chụp được một tấm hình hai đứa nhỏ, một đứa thì ngồi khóc, còn đứa kia đang say giấc trên chiếc xe bán chó của mẹ mình. Cuộc sống mưu sinh vất vả của người đàn bà bỏ quê ra phố thị, một nách hai con nhỏ – hình ảnh ấy bám riết tôi đến tận lúc này.

Theo mẹ bỏ quê vào thành phố mưu sinh, hai anh em, một đứa ngồi khóc, một đứa say giấc tạm trên chiếc xe bán chó của mẹ mình. Ảnh chụp năm 2006. Hiện nay hai em học ở quê, ở với chị gái đang học lớp 12.
Sáu năm sau, vẫn nằm ở vị trí cũ bên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp, TP.HCM, chiếc xe chở chó bán ấy dường như bị chìm khuất giữa đông đảo dòng người hối hả đi lại trên đường phố ồn ào…
Nhọc nhằn kiếm sống
“Tôi ở thành phố này đã bảy năm rồi, chỉ thương nhất là hai đứa con nhỏ, mình bỏ đi lâu rồi, nên nó muốn mẹ về lắm. Cách đây mấy tháng, ở nhà làm thịt gà, con gọi điện hỏi mẹ có ăn thịt gà không, rồi nó hỏi sao mẹ không về, con vẫn để điện sáng chờ mẹ về mà. Nghe đứa con nói, lòng tôi muốn đứt ruột, đứt gan, nhưng mình không thể về được…”, chị Nguyễn Thị Hoà bộc bạch trong nước mắt.
Ngày nào cũng vậy, 5 giờ sáng, chị Hoà đẩy xe ra góc đường ngồi bán chó, đến chín, mười giờ đêm thì về phòng trọ. Hôm chúng tôi lại, gần 19 giờ rồi nhưng cả ngày chị Hoà mới bán được một con chó. Đèn xe nhoang nhoáng vụt qua. Chiếc xe chở chó nằm im lìm trong bóng đèn loang lổ. Một nỗi lo chợt đến trong lòng chị khi tối về, chị không có đủ 1,2 triệu đồng để trả nợ cho mấy đứa nhỏ sinh viên đã cho chị mượn lâu nay. Một bà khách hàng quen ghé vào, nói giá con chó con mắc quá, nên bà trả giá xin bớt từ 300.000 đồng xuống 200.000 đồng. “Bán như vậy, tôi không có lời”, chị Hoà nói giọng mệt mỏi. Bà khách giúi đồng tiền 200.000 đồng vào tay chị, rồi ôm con chó nựng: “Về nhà, tao cho mày ăn thịt gà”. Khách đi rồi, chị vẫn chôn chân đứng một chỗ, rồi im lặng lôi tiền ra đếm. Vẫn chưa đủ!
Chị Hoà đang sống với hai đứa con đầu, một đứa đi làm công nhân, một đứa đang học cao đẳng, và người chồng mới vào được một tháng nay. Ba đứa con sau thì ở quê, đùm bọc nhau sống, đứa lớn nhất đang học lớp 12. Bảy năm mưu sinh ở thành phố, chị không tích góp được một đồng vốn trong tay, làm được bao nhiêu, chị chỉ đủ tiền gửi về cho con ăn học bấy nhiêu. Chỉ riêng tiền ăn học cho đứa đang học lớp 12 đã là 1,2 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền ăn và học của hai đứa sau. Tiền trọ, điện, nước ở thành phố này là 2 triệu đồng, nên phải đến hai, ba ngày, chị mới dám mua thịt, cá để ăn. Vậy mà, chỉ trong vòng một năm rưỡi qua, thằng con làm công nhân của chị bị mất hai chiếc xe máy ở công trường, một chiếc thì bị trộm ngay tại trong nhà trọ. Do gặp chuyện không may, bài toán xoay xở tiền của chị cứ thế quay vòng không dứt, lấy đó đắp đó. Tính ra, đến giờ chị còn đang nợ người ta 20 triệu đồng…
Chị Hoà nói, ngày xưa dù một nách hai con nhỏ đạp xe đi bán chó, cực hơn bây giờ, nhưng lòng chị phấn chấn hơn, vì bán được. Còn hai năm lại đây, càng lúc càng có ít người mua. Có khi ba bốn ngày, chị không bán được một con. Nhiều đêm về thức đến sáng, quên hết cái cực, hôi thối trong nghề, lòng chị lúc nào cũng chỉ nghĩ làm sao có tiền để gửi về cho con, bởi lẽ, gần đây, chúng lại vừa gọi chị nói: “Nhà trường vừa nhắc đóng tiền”. Có nhiều lần, chị không may mua phải chó cắn trộm người ta đem bán, chị bị chó cắn đến đứt gân phụ ở tay. Cũng có khi ế ẩm quá, chị nghĩ thôi thì trả hết tiền góp cho người ta, rồi về quê làm ruộng, cho con nghỉ học, mình sẽ khoẻ hơn; nhưng rồi, chị lại gắng gượng, vượt lên chính mình khi nghĩ: “Đời mình đã ít học rồi, không thể để cho con mình sẽ khổ vì thất học”.
Nhìn con đường một chiều xe cộ chạy hối hả trong đêm, chị Hoà nói, nghe người ta nói mấy năm nay khủng hoảng kinh tế gì đó, nhiều nơi, chủ doanh nghiệp sa thải công nhân nhiều lắm, nên chị cũng tự an ủi cho thân phận mình: “Như vậy là đâu phải chỉ có mình gặp khó khăn”. Tuy nhiên, tuy có ngày không bán được chó, chị Hoà cũng phải ăn, mỗi ngày, chị vẫn phải chi tiêu 50.000 đồng cho tiền chợ và gạo cho bốn người ăn. Đó là chưa kể mỗi sáng mở mắt ra, chị phải lo trả tiền góp 150.000 đồng/ngày.
Bức ảnh cũ
Tuy nghèo, nhưng dạy con sống tử tế
“Nhiều lúc tôi nghĩ mà thương cho mẹ nó (chị Hoà – PV). Gia đình tôi khổ một thì mẹ nó khổ mười. Mẹ nó liều và lỳ. Hồi xưa không cho đi, no đói gì cũng ở bên nhau, vậy mà nửa đêm bồng con nhỏ trốn đi, bất chấp phải chạy bộ 15 cây số mới bắt được xe. Trước tôi làm ruộng, chăn nuôi ở nhà, không đủ tiền cho con ăn học. Nhưng mà dù khổ mấy, vợ chồng tôi không có cơm thì ăn cháo, phải dạy con sống cho tử tế. Ở quê vẫn có nhiều nhà không có cơm ăn hơn mình, nên khi được cho một suất hỗ trợ hộ nghèo thì vợ chồng tôi bảo nhau: “không nhận mà nhường cho gia đình khác”, ông Lê Văn Hào, chồng chị Hoà cho biết.
Nhìn lại bức ảnh cũ, chị Nguyễn Thị Hoà, mẹ hai đứa bé Phương (hai tuổi) và Sáng (sáu tuổi), xót xa nói: “Hồi đó con bé Phương bị xe người ta chèn, làm nó té trên pô xe, bị phỏng ở bẹn đùi. Do không có tiền đưa con đi khám, nên tôi cứ để vậy, nghĩ rằng nó sẽ tự khỏi, tuy nhiên, may mà có một bà bác sĩ tốt bụng trông thấy, rồi phải mất bốn, năm tháng sau, vết loét sâu đó mới lành, nhưng để lại cho nó một mảng sẹo lớn”. Chị Hoà nói, bức ảnh mà chúng tôi cho, chị vẫn treo trong nhà ở quê, ai đến chơi cũng nhìn, bảo tội! Với nhiều người, thành phố thật đẹp, thật vui, nhưng với những người bỏ quê lên thành thị để mưu sinh như chị Hoà, “đó là cái vui, cái sướng của người khác, không phải của mình”.
Chị Hoà quê ở xóm 10, xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Năm nào ở đây cũng phải gánh bão lũ, có năm chỉ trong một đêm mà nước lũ tràn về dâng lên tận cổ, làm cho bò, gà, heo trôi cả. Nhà chị có năm đứa con, nhưng không năm nào đủ ăn, đói quá, nên chị bồng hai đứa con nhỏ nhất ra đi. Rời khỏi quê, tuy chưa biết sẽ làm gì, nhưng chị Hoà nghĩ: “Làm sao cho con mình được ăn no, và được đi học, là tốt lắm rồi!” Khi xuống đến bến xe Miền Đông, ba mẹ con dắt díu nhau, ban ngày thì đi lượm ve chai, tối về vất vưởng ngủ ở vỉa hè. Chị Hoà kể: “Lúc đó, tôi chẳng dám ngủ, vì sợ người ta bắt mất con mình”. Sau đó, một lần vô tình đi tới cầu Kiệu, một bà bán chó thương tình đưa chó cho ba mẹ con chị bồng đi bán. Những người đồng cảnh ngộ ở cầu Kiệu còn hùn tiền mua xe, cho chị mượn vốn. Từ đó chị Hoà làm luôn nghề này.
“Những người tha phương cầu thực như chúng tôi chẳng bao giờ muốn sống xa con, nhất là khi chúng còn nhỏ quá. Nhiều khi, tôi rất muốn về quê lắm, tôi luôn nằm mơ về quê suốt. Nhiều đêm ngủ mơ thấy hai đứa nhỏ nằm ôm mẹ hai bên vui sướng, ai ngờ mở mắt chẳng thấy con đâu”, chị Hoà ray rứt nói. Với những người bỏ quê lên thành thị để mưu sinh như chị, cuộc sống ngày càng bức bách, khó khăn hơn lúc nào…
BÀI VÀ ẢNH: LÊ QUỲNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét