Menu

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Tế bào gốc: gửi ở đâu, giá bao nhiêu?


SGTT.VN - “Tế bào gốc” gần đây được nhắc đến nhiều, nhất là sau khi Hoàng Thị Diệu Thuần, tác giả tự truyện Như hoa hướng dương được ghép tuỷ từ anh trai. Bên cạnh tuỷ xương, theo các bác sĩ, tế bào gốc còn lấy được từ nguồn máu ngoại vi và cuống rốn, trong đó máu cuống rốn ngày càng được người dân quan tâm.

Thu thập, xử lý tách TBG và lưu giữ tại ngân hàng TBG MekoStem. Ảnh: CTV
Tại TP.HCM, ngân hàng tế bào gốc (TBG) MekoStem sau gần bốn năm thành lập, đã nhận được hơn 1.000 mẫu TBG cuống rốn để lưu trữ theo yêu cầu cá nhân. Sau thành công của MekoStem, nhiều đơn vị công lập đã hoặc đang khởi động dịch vụ lưu trữ này vì nhu cầu ngày càng nhiều.
Cơ hội chữa trị bệnh nan y
Bà Trương Thị Thu Huyền, phó giám đốc MekoStem, cho biết TBG là tế bào có khả năng phát triển thành các tế bào chuyên biệt để tạo nên các mô, cơ quan khác nhau của cơ thể và thay thế các tế bào ở mô, cơ quan bị mất đi do lão hoá, chết tự nhiên hoặc bị tổn thương. Do đó, TBG có thể được sử dụng để tạo ra các tế bào mới, thay thế tế bào bị tổn thương hoặc mất chức năng, đem lại triển vọng chữa được nhiều bệnh nan y.
Trong khi đó, theo bác sĩ Phù Chí Dũng, giám đốc bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, việc sử dụng TBG để điều trị bệnh ác tính đã có ở nước ta từ nhiều năm qua. Hiện tại có ba nguồn TBG – tuỷ xương, máu ngoại vi và cuống rốn, trong đó máu cuống rốn được chọn lựa nhiều hơn.
Tại sao chọn máu cuống rốn? Theo các chuyên gia vì TBG máu cuống rốn là TBG “trẻ” nhất, có thể ghép thành công khi người nhận chỉ phù hợp phân nửa HLA (một chỉ số sinh học). Trong khi TBG tuỷ xương rất khó chọn lựa, muốn được cơ thể chấp nhận tốt phải phù hợp hoàn toàn HLA. Vì điều này, nếu máu cuống rốn được gửi vào ngân hàng, thì ngoài việc sử dụng trở lại cho bản thân em bé nếu chẳng may mắc bệnh, khả năng dùng TBG để điều trị cho người thân trong gia đình là rất cao.
Theo các nhà chuyên môn, việc lưu giữ TBG cuống rốn không khác gì một dạng “bảo hiểm sinh học” vì trong tương lai nếu cá nhân mắc bệnh hiểm nghèo, TBG là sản phẩm không thể thay thế và so sánh được, bệnh nhân có ngay trong tay để sử dụng kịp thời mà không cần tìm đâu xa. Trong năm nay, bệnh viện Nhi trung ương đã điều trị thành công ca bệnh ly thượng bì bóng nước cho một em bé bằng ghép TBG.
Bà Trương Thị Thu Huyền cho biết khi đó bệnh viện này đã nhờ MekoStem và bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM tìm TBG từ máu cuống rốn, nhưng yêu cầu này bất khả thi vì nguồn TBG máu cuống rốn hiến tặng quá ít. Bà Huyền nói: “Mẫu dịch vụ của khách hàng chúng tôi không thể đụng vào, còn mẫu hiến tặng chỉ có 200. Phải có 10.000 mẫu mới hy vọng tìm được 2 – 3 mẫu phù hợp. Nếu em bé được lưu trữ máu cuống rốn thì cơ hội chữa trị nhanh chóng và trong tầm tay. Cũng may là em bé sau đó được điều trị bằng TBG lấy từ tuỷ xương”.
41 triệu đồng cho năm đầu tiên
Sáng 27.11, tại ngân hàng TBG MekoStem, anh N.X.T, 42 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TP.HCM, chuẩn bị những thủ tục cuối cùng để ký hợp đồng lưu trữ TBG dây rốn cho đứa con sắp chào đời nay mai. Anh nói: “Đây là đứa con thứ hai của tôi. Qua tìm hiểu thông tin, tôi biết TBG cuống rốn mang lại nhiều cơ hội chữa trị bệnh nan y, vì thế tôi lưu trữ biết đâu con mình sẽ cần dùng sau này”.
Để lưu trữ TBG cuống rốn tại MekoStem, cá nhân phải trả phí thu thập, xử lý trong năm đầu khoảng 41 triệu đồng, chưa kể phí cho 17 năm tiếp theo khoảng 3 triệu đồng/năm. Mức phí này có thể cao đối với một số người, nhưng người tham gia lại chấp nhận vì lý do khác.
Dịch vụ đáp ứng 24/24 giờ
Để tìm hiểu dịch vụ lưu giữ TBG cuống rốn ở MekoStem, khách hàng có thể tham khảo qua website hoặc gọi vào đường dây 08.38686546 để được tư vấn. Tương tự để tìm hiểu dịch vụ lưu trữ máu cuống rốn của bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, khách có thể gọi phòng tư vấn 08.39571342 (máy nhánh 189, 187).
Chị N.T., nhân viên văn phòng, khách hàng của MekoStem từ cuối năm qua, nói: “Thật ra nếu chia nhỏ số tiền ra mỗi ngày thì không nhiều và không khác gì tiền bỏ ống. Điều quan trọng là khi cần đến nó là có ngay, bởi nếu không bệnh nhân sẽ chờ đợi lâu hoặc mất cơ hội chữa trị”. Được biết, chị N.T. tham gia dịch vụ cho cả hai đứa con sinh đôi của mình.
Giữa năm nay bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM cũng mở dịch vụ lưu giữ TBG dây rốn. Tuy triển khai dịch vụ sau, nhưng do ngân hàng TBG của bệnh viện đã hoạt động từ năm 2002, nên ở đây hiện có gần 3.000 mẫu TBG máu cuống rốn và tế bào gốc máu ngoại vi, phần lớn do người dân tự nguyện hiến tặng. Ngân hàng có hệ thống lưu trữ hiện đại nhất nhì thế giới, mọi quy trình đều hoàn toàn tự động. Ở phía Bắc, sau khi ngân hàng TBG của viện Huyết học và truyền máu trung ương ra đời, bệnh viện Nhi trung ương cũng đang khởi động thành lập ngân hàng máu cuống rốn đầu tiên ở miền Bắc.
Đáng lưu ý là không chỉ có khách hàng trong nước, ngân hàng TBG còn có cả khách hàng người nước ngoài đang làm việc và sinh sống ở Việt Nam. MekoStem hiện lưu trữ gần chục mẫu cho người nước ngoài. Lẽ ra số lượng có thể còn cao hơn nếu MekoStem giải quyết được vấn đề vận chuyển mẫu ra nước ngoài khi khách hàng về nước. Bà Huyền nói: “Điều này đòi hỏi thiết bị chuyên dụng, vận chuyển bằng nitơ lỏng với nhiệt độ –196oC mà các công ty phát chuyển nhanh chưa có kinh nghiệm vận chuyển. Dù trở ngại như thế, nhưng khách hàng vẫn chấp nhận lưu trữ vì họ hy vọng sắp tới chúng tôi sẽ tìm được cách giải quyết”.
PHAN SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét