Menu

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Chung bếp mà riêng mâm


SGTT.VN - Sống chung nhà nhưng ăn riêng mâm không còn là chuyện lạ trong thời buổi đất chật, người đông, nhiều cặp vợ chồng con cái buộc phải tá túc chung nhà của bố mẹ. Chuyện riêng mâm cốt tạo sự thoải mái cho các thành viên, nhưng thực tế lại không hẳn vậy...

Nhà ba người, hai mâm
Ngay ngày đầu tiên về làm dâu, Thuỷ Tiên đã được mẹ chồng ưu ái đặc biệt: mâm ai nấy ăn. Bà mẹ đưa ra lý do: “Như vậy để hai đứa được tự do, khẩu vị cũng theo ý, không phải phụ thuộc giờ giấc với mẹ làm gì”. Thuỷ Tiên nghe mẹ bảo thế cũng lấy làm dễ chịu, nhưng nghĩ lại nhà chỉ ba người mà chia làm hai mâm, kỳ quá! Ở nhà chồng chưa tròn tháng thì Thuỷ Tiên thấy có điều gì đó chưa ổn ở cái chuyện ăn riêng này. Cô chia sẻ nỗi niềm với đồng nghiệp: “Khạp gạo cũng chia làm hai, cái bếp nhỏ xíu nhỉnh hơn 1m thôi nhưng mắm, muối, dầu, gia vị gì cũng phân đôi khu vực hết. Mình thì bữa nào cũng cá, thịt ba món. Còn mâm của mẹ chồng hoạ hoằn lắm mới hai món, bà nói vậy cho gọn. Thấy mẹ ăn uống kiêng khem, mình mua đồ về nấu, chia làm hai, mẹ chồng nhận nhưng có vẻ miễn cưỡng lắm. Nấu xong đồ ăn, bà bảo vợ chồng mình ăn trên bàn, còn bà thì bưng khay ra ngồi ăn ở một góc bếp, mình thật không chịu được. Chồng mình đi công tác cả tuần lễ, muốn ăn với mẹ cho vui nhưng mẹ chồng lại không thích lắm. Nhà có hai phụ nữ mà vẫn hai mâm riêng biệt. Riết mình cảm thấy khoảng cách giữa mình và mẹ cứ xa dần. Đôi khi về nhà muộn, mình cũng không dám gọi điện nhờ mẹ bắt giùm nồi cơm. Nhạt quá nên dạo này vợ chồng mình cứ làm xong là ra quán cho lẹ. Tiếng là ở chung cho sum vầy, nhưng với cảnh phần ai nấy ăn thì còn gì sự ấm cúng”.
“Đồng đường” nhưng không đồng lòng
Vì không có điều kiện ra riêng nên vợ chồng chị Thanh Tú đành phải ở chung với nhà chồng, trong một đại gia đình gồm bố mẹ và năm cặp vợ chồng anh em ruột. Căn nhà cũng chỉ chừng 80m2, ngăn làm nhiều phòng nhỏ xíu làm nơi ăn ngủ cho mỗi cặp. Giờ giấc mỗi người khác nhau nên bố mẹ quyết định mỗi cặp đều có mâm riêng. Chị Thanh Tú thấy an tâm, bởi “như vậy đỡ tỵ nạnh nhau”. Nhưng mọi sự không yên ổn như chị nghĩ, nhà hẹp quá nên tất cả sự riêng tư kia đều diễn ra trên một cái bếp. Chị Tú tâm sự: “Ai về trước thì nấu trước, người về sau phải đợi. Trên mâm người này có món mới thì liền bị cạnh khoé, “hôm nay ăn ngon thế”. Xong bữa ăn thì cái bếp trở thành bãi chiến trường. Người ăn trước vứt chén bát ra chậu, nhặt rau không dọn rác, người sau phải làm. Vợ chồng tôi hay về muộn nhất nhà. Mấy đứa nhỏ về trước, đói bụng nhưng cũng đành ngồi chờ bố mẹ, vì ông bà, vợ chồng các chú bác đến bữa ăn cũng chẳng gọi các cháu. Nhiều lúc thấy mọi người đang tập trung ăn, còn mình lúi húi nấu nướng, dọn dẹp, tôi tủi thân lắm. Cuối tháng đóng hoá đơn điện, gas, nước, đáng lẽ chia đều cho từng cặp, mọi người lại so bì với nhau, rằng nhà này nấu nhiều, dùng nước nhiều, hay thức khuya sao nộp tiền ít thế! Mấy chuyện nhỏ nhặt đó gây nên mâu thuẫn, rồi hục hặc, nói xấu nhau suốt. Đã nhiều lần tôi to nhỏ với chồng ra sống riêng, nhưng anh cứ chần chừ, cái lệ nhà anh bao đời thế rồi. Lề thói gì kỳ cục, sống cùng nhà mà mạnh ai nấy lo, chẳng chút không khí gia đình”.
Theo chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai, trung tâm Tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình TP.HCM (thuộc hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam): “Nên tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của đại gia đình đó. Ví như bố mẹ có mỗi mụn con trai thì không nên ăn riêng nếu sống cùng nhà, như thế càng tạo khoảng cách giữa hai thế hệ. Còn nếu sống chung nhà là nhiều cặp vợ chồng con cái, cũng có thể chọn hình thức riêng mâm để khỏi phụ thuộc giờ giấc, khẩu vị, khỏi gánh nặng việc nhà lên vai ai. Chuyện mâm riêng hay chung còn phụ thuộc vào suy nghĩ, hoàn cảnh của mỗi đại gia đình. Tuy nhiên, các thành viên trong nhà phải biết thống nhất, hoà hợp để cùng tạo không khí chung. Ví như cả tuần có thể ăn riêng, nhưng cuối tuần thì nên “góp gạo” nấu chung một bữa ăn cùng nhau, cùng trò chuyện vui vẻ, cùng phân công công việc thì những khoảng cách, xung đột nhỏ nhặt kia sẽ không còn cơ hội tồn tại”.
NGUYÊN CAO
 
Đại gia đình không phải là căn hộ tập thể
Nguyễn Hoài Trung, quận Tân Phú, TP.HCM
Trong hoàn cảnh thiếu chỗ ở, nhiều thế hệ thường tập trung trong một đại gia đình. Tuy nhiên, tôi không tán thành chuyện chung nhà mà riêng mâm như thế. Cứ tưởng đây là sự tôn trọng tự do, nhưng đằng sau đó sẽ không ít phiền toái, nhất là sự so đo, nhòm ngó, rồi chia sẻ phí điện, nước hàng tháng. Tốt hơn hết, thích ăn riêng thì ra sống riêng, còn không nên cố gắng sắp xếp, phân công việc nhà cho nhau để có bữa ăn chung đầm ấm. Nên nhớ rằng đó là một đại gia đình chứ không phải căn hộ tập thể.
Bữa ăn không đo được tình cảm
Hoàng Thị Dung, quận Tân Bình, TP.HCM
Tuỳ vào hoàn cảnh mỗi gia đình mà các thành viên sắp xếp cho phù hợp. Nếu các thành viên không hoà thuận nhau, thì việc ngồi chung mâm ăn cũng khó. Điều quan trọng là sự quan tâm, chia sẻ tình cảm giữa mọi người với nhau. Một bữa ăn chung cuối tuần, giữa tháng cũng có thể giúp cả nhà sum vầy. Đừng vì chuyện mâm chung, mâm riêng mà dẫn đến những suy nghĩ không hay.

1 nhận xét:

  1. Trong tình hình người người đi làm như hiện nay thì bữa cơm gia đình là thời điểm duy nhất để cả nhà gặp gỡ và trò chuyện. Cố gắng giữ được bữa cơm gia đình để cuộc sống thêm đẹp, hạnh phúc

    Trả lờiXóa