Menu

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Lấy cái "chết" ra doạ cha mẹ


SGTT.VN - Được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM trong tình trạng lừ đừ, nôn ói, chóng mặt, mạch nhanh, sau hơn một ngày cấp cứu tích cực, bé T., 14 tuổi, nhà ở Long An mới hồi phục. Trò chuyện với bác sĩ tâm lý sau khi qua cơn nguy kịch, T. cho biết vì giận ba mẹ bắt em chuyển trường từ thị xã về huyện, em đã lẳng lặng mua 20 viên Paracetamol 500mg về uống để “chết cho ba mẹ hối hận suốt đời”!

Vì đâu trẻ muốn chết?
Khảo sát của bệnh viện Nhi Đồng 1 từ nhiều năm qua cho thấy, trong tổng số ca tự tử có 80 – 90% là trẻ 12 – 15 tuổi, do bị gia đình la rầy hoặc thiếu hiểu biết trong việc giải quyết những khó khăn (như cho bạn ôm rồi sợ... có thai, thi rớt, điểm kém, bị vu oan...) Tuy sống chung nhà nhưng các em muốn tìm đến cái chết do cha mẹ chưa là chỗ dựa vững chắc giúp các em giải quyết vấn đề; hoặc có khi do cha mẹ quá khắt khe, hay la mắng hoặc quá kỳ vọng mà không nghĩ đến khả năng thực sự của con mình. Có trẻ tự tử chỉ vì cha mẹ so sánh học kém hơn, không ngoan bằng anh chị. Có trẻ sẵn tâm lý “mẹ có em bé, không cưng chiều mình”, lại bị cha mẹ quát nạt nên tự ái và muốn chết. Có trẻ bị cha mẹ doạ đuổi vì quá ham chơi, không lo học, không biết đi đâu nên uống thuốc trừ sâu tự tử... Có trường hợp trẻ bị thầy cô giáo xỉ vả trước lớp, cảm thấy xấu hổ với bạn bè nên tự tử.
Tuy nhiên, hầu hết trẻ chỉ doạ tự tử để làm nư với cha mẹ. Các em đều hối hận ngay sau hành vi xốc nổi, thảm thiết xin được cứu sống và hứa không tái phạm.
Đừng đẩy trẻ đến bờ tuyệt vọng
Ở lứa tuổi 12 – 15, trẻ có nhiều thay đổi về các đặc điểm tâm sinh lý, đặc biệt là muốn khẳng định vị thế cá nhân, muốn trở thành người lớn. Khi bị người lớn xâm phạm, trẻ cảm thấy bị xúc phạm. Tự tử ở trẻ là giai đoạn cuối cùng của trầm cảm, khi sự thất vọng quá lớn mà không được ai quan tâm chia sẻ. Để tránh hậu quả đáng tiếc đó, khi răn dạy trẻ ở độ tuổi này, cha mẹ, thầy cô phải hết sức năng động mà kiên nhẫn, quyết đoán mà dịu dàng, cương nghị mà bao dung, nhạy bén mà tế nhị. Người lớn cần phải đón đầu, thu phục lòng tín nhiệm của các em, kịp thời giúp đỡ, dẫn dắt các em vượt qua những khủng hoảng có tính nổi loạn đó. Thay vì áp đặt, ra lệnh, phụ huynh cần lắng nghe, giải thích và chia sẻ để con hiểu rõ, đồng cảm khi muốn khuyên con làm một điều gì đó. Khi dạy con, phụ huynh cần sáng suốt và bình tĩnh, không mắng nhiếc, đánh cho hả giận mà cần nói rõ chỗ sai, điều lỗi để trẻ sửa đổi, đồng thời tạo điều kiện cho trẻ mạnh dạn nói ra tâm tư, suy nghĩ. Dù đúng, nhưng nếu trách phạt không khéo (như không an ủi động viên, dồn trẻ vào chỗ bế tắc, xúc phạm nhân cách...) trẻ sẽ hụt hẫng, tự ti, thấy mình không xứng với mọi người xung quanh, không đủ năng lực phấn đấu và dẫn đến hành vi nguy hiểm.
Dù được cứu sống, phút bồng bột sẽ để lại những ảnh hưởng lâu dài với trẻ thơ. Vì thế, ngoài việc giúp trẻ giải quyết những bế tắc, những xung đột trong cuộc sống, gia đình và xã hội cần làm tốt việc phòng ngừa tái tự tử: không nhắc chuyện đã qua, dạy con theo tính cách của trẻ (ngoan hiền hay cứng cỏi)... Phụ huynh không nên coi đứa con tự tử được cứu sống là đứa trẻ “bất trị”, làm như thế khoảng cách vốn có giữa trẻ với gia đình, xã hội sẽ tiếp tục xa thêm. Giáo dục phải khơi gợi được ý thức tự giác, lời lẽ khiển trách phải đúng người, đúng việc và đúng mức độ mới giúp trẻ nhận ra lỗi lầm, biết ăn năn và không tái phạm.
BS PHẠM NGỌC THANH
(NGUYÊN TRƯỞNG KHOA TÂM LÝ BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1, TP.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét