Menu

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Trung tá kể chuyện bắn súng cứu 5 người trên biển động


Các phương án cứu hộ đi vào bế tắc vì biển động quá mạnh, có lúc cơ quan chức năng dự tính đưa cả trực thăng ra chiếc tàu gặp nạn.


Đến 9h15 sáng nay, 25/12, toàn bộ 5 thuyền viên trôi dạt vào bờ biển Thừa Thiên - Huế đã được đưa vào bờ an toàn. Họ được lực lượng cứu hộ sơ cấp cứu và sức khỏe đã ổn định.

Lực lượng chức năng bàn cách cứu hộ tàu bị nạn.
Lúc 6h sáng nay, mọi phương pháp cứu thuyền viên trên tàu hàng quốc tịch Malaysia bị nạn trên vùng biển Thừa Thiên - Huế vẫn rơi vào bế tắc vì biển động quá mạnh. Lực lượng cứu hộ đã tính đến phương án đưa trực thăng ra cứu thuyền viên bị nạn. Càng về trưa thì thời tiết thuận lợi hơn, tuy nhiên ngoài vùng biển có gió cấp 7 - 8, sóng lớn nên công tác cứu nạn bằng thuyền nhỏ đã không thể triển khai. 5 thuyền viên quốc tịch Myanmar mắc kẹt được tiếp tế nước uống và lương thực.
Trung tá Nguyễn Xuân Hòa, Phó tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Đến 7h sáng nay, chúng tôi quyết định dùng súng bắn dây để kéo xuồng cứu hộ của tàu gặp nạn vào bờ khi tàu cách đất liền 200m. Bằng mọi cách phải cứu các thuyền viên trước”. Trước đó, thông tin ban đầu từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết vào lúc 13h50 ngày 23/12, một chiếc tàu chở hàng 27.000 tấn, dài khoảng 200m, quốc tịch Malaysia bị trôi dạt và phát tín hiệu cấp cứu.
Lực lượng chức năng và người dân tham gia cứu hộ.
Anh Htat Naing Aung kể lại giây phút kinh hoàng sau nhiều giờ vật lộn trên biển: “Lần đầu tiên trong đời đi biển tôi gặp nạn, nhưng tôi và anh em còn quá may mắn nên đã thoát khỏi lưỡi hái của thủy thần”. Anh Aung kể thêm: “Giữa đêm khuya, gió càng lúc càng to, sóng lớn, khi đến vùng biển này thì tàu đột ngột chết máy, tôi liên tục cầu cứu đất liền, thông báo tình trạng của tàu với Bộ đội biên phòng Thừa Thiên - Huế. Lúc đó, giữa muôn trùng biển khơi và gió bão, 5 anh em ai cũng lo lắng cho số phận của mình. Một thuyền viên cố dùng điện thoại di động để báo tin cho gia đình, nhưng không liên lạc được”.
Đêm khuya 24/12, giữa sóng to, các thuyền viên nghe tiếng “rắc” rất lớn rồi nước tràn nhanh vào, tàu có dấu hiệu chìm. Phải tự cứu lấy mình, thuyền trưởng và các thuyền viên vứt những vật dụng không cần thiết xuống biển. “Chúng tôi bám lấy tàu, lênh đênh trên biển trước những đợt quăng quật của sóng và đêm đen đang trút mưa gió liên hồi”, anh Aung hồi tưởng.
Qua một đêm lênh đênh giữa sóng gió, thuyền viên Aung Myo Kyan lả người vì vừa sốt vừa phải ngâm mình trong mưa gió. Các thuyền viên khác cũng sức tàn lực kiệt. “Chúng tôi vừa hét trong gió bão vừa động viên tinh thần anh em. Có lần, những tưởng đã may mắn được sống khi thấy lực lượng cứu hộ đến gần, nhưng sóng gió quá hung dữ lại đẩy những hy vọng sống trở thành tuyệt vọng”, anh Kyan nói.
Đến 9h sáng nay, đang trong sự lo lắng bồn chồn và đánh vật với sóng gió thì các thuyền viên được Trung tâm cứu hộ cứu nạn Danang MRCC và Lực lượng bộ đội biên phòng Thừa Thiên - Huế tiếp cận, ứng cứu. Dù chỉ cách đất liền có 300m, nhưng xuồng cứu hộ cứ đi chừng vài mét thì có đợt sóng dữ ập đến khiến phao như bị đánh tan, còn dây kéo suýt bị đứt… Nhưng cuối cùng công tác cứu hộ cũng thành công, ai cũng mừng vui không xiết, nhiều người thốt lên “thế là mình đã được sống rồi”.
Anh Aung Myo Kyan tâm sự: “Lúc sắp bỏ mạng giữa trùng khơi, tôi chỉ canh cánh trong lòng là người vợ mới cưới ở nhà chắc đang cạn khô nước mắt ngóng tin. Nếu tôi bỏ mạng nơi đây thì “cái cột buồm” chỗ dựa chính của gia đình quanh năm thiếu thốn trăm bề lấy ai gánh vác!”. Nước mắt ngắn dài, anh Htat Naing Aung cúi đầu cám ơn lực lượng cứu hộ của Việt Nam và “cảm ơn Chúa đã phù hộ cứu lấy các thuyền viên chúng con”.
Sau nhiều giờ đối diện với cái chết, cuối cùng các thuyền viên cũng vào bờ an toàn.

Ăn vội ổ bánh mì sau nhiều ngày đói lả.
Thăm khám sức khỏe cho các thuyền viên.

Các thuyền viên cảm ơn sự giúp đỡ của các lượng lượng chức năng và người dân Thừa Thiên - Huế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét