Menu

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Chồng hay vợ, ai dễ... "sa ngã"?


Mẹ kể tôi nghe chuyện một người dì họ, sống êm đềm với chồng hơn ba mươi năm, vợ chồng thành đạt, có uy tín, con cháu đùm đề, gia cảnh yên ổn hạnh phúc đến tận ngày về hưu. Chồng dì xưa nay rất đàng hoàng, nể trọng vợ, luôn lánh xa chuyện trai gái lăng nhăng.

Vậy mà đột nhiên đến năm thứ 33 của cuộc hôn nhân, ông chồng của dì đột nhiên thổ lộ rằng hồi xửa hồi xưa tui lấy bà không yêu, mà chỉ để khoả lấp nỗi thất tình một người. Giờ người ấy đột nhiên xuất hiện trở lại, sau một chặng đường đời đau khổ, bởi vậy ông muốn quay lại với mối tình xưa để… bù đắp cho bà kia.

Dì tôi nghe chuyện, sững sờ như chết giấc. Phải huy động lực lượng cả hai bên sui gia và con cái để… giữ chồng. Cuối cùng may sao dượng tôi bình tâm trở lại, không nối lại tình xưa nữa. Nhưng tình vợ chồng giờ như cái bình nứt. Bề ngoài dì có vẻ yên tâm nhưng tâm hồn thì không ngừng rỉ máu.
Em họ tôi nghe phong phanh chồng cô thân thiết với một đồng nghiệp nữ, đang định “nói chuyện nghiêm túc” với chồng liền bị mẹ cô nhắc ngay. Bà khuyên cô muốn giữ gia đình hạnh phúc thì phải hiểu bản chất đàn ông, phải luôn sẵn lòng bao dung tha thứ. Cứ bình tĩnh, coi như không hay không biết, lạt mềm buộc chặt. Phải lo sửa soạn mình cho lúc nào cũng thơm tho sạch sẽ gọn gàng, trổ tài nấu ăn ngon, chiều chuộng chồng, tăng cường quà cáp chăm sóc cha mẹ anh chị em chồng để xây dựng “lực lượng đồng minh”…
Bà còn thòng thêm câu: “Chàng ơi phụ thiếp làm chi. Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng. Giờ con lấy chồng mẹ mới kể, ngày xưa cha con cũng vậy thôi, mẹ phải ba đầu sáu tay mới giữ được gia đình yên ấm tới bây giờ”. Em họ tôi té ngửa. Người cha nghiêm nghị mà cô thường đem ra để làm gương mẫu cho người yêu mà còn như vậy, thì cô biết tin vào đâu.
Và dù chưa có bằng chứng nào chứng tỏ chồng ngoại tình, em tôi luôn phập phồng chờ chực, như thể chắc chắn một lúc nào đó chồng cô sẽ lạc bước, như thể cô chờ đợi cái giây phút thử thách tình yêu của chồng và lòng bao dung của cô sẽ tới, và cô luôn chuẩn bị tinh thần để có dịp thể hiện sự bao dung. Để chứng tỏ với chồng rằng cô sẵn sàng là… cơm nguội.
L. Anh, một người bạn gái của tôi, có quan điểm khác, rằng phụ nữ hiện giờ cũng gặp nhiều “cám dỗ” lắm. Khi vai trò, bản lĩnh của người phụ nữ đã khác, phụ nữ có nhiều mối quan hệ hơn, tham gia công việc xã hội nhiều nên cạm bẫy gặp phải cũng… không ít hơn đàn ông.
Vì tận mắt chứng kiến xung quanh mình bao nhiêu cảnh vợ chồng tan tác, lên mạng thì thấy vô vàn các topic “ngoại tình”, nhiều người đổ lỗi cho bà vợ vì mải mê con cái, không biết giữ gìn nhan sắc, lơ là chuyện ái ân. Bởi vậy cô giữ chồng theo kiểu: luôn chứng tỏ ưu thế của mình trước mặt chồng, luôn ăn mặc đẹp, đi spa hàng tuần, tiêu một ngân khoản lớn cho quần áo, mỹ phẩm và phụ trang, thỉnh thoảng bỏ chồng ở nhà đi du lịch một mình. Cô mua sách vở phim ảnh hướng dẫn nghệ thuật yêu đương để học hỏi.
Thậm chí cô vẫn công khai khoe với chồng về những “cây si” ở công ty… Cô muốn chồng thấy rằng luôn hiện hữu xung quanh những kẻ ngưỡng mộ vợ mình và nhìn đâu cũng thấy nguy cơ mất vợ. Bằng cách khẳng định rằng mình có cuộc sống độc lập, L. Anh chứng tỏ cho chồng thấy rằng những quyền lợi, trách nhiệm và cả nguy cơ trong cuộc hôn nhân giữa hai vợ chồng là… ngang nhau. Vì vậy, không chỉ các ông chồng mà các bà vợ cũng rất dễ… mất.
Kết quả là tháng trước hai vợ chồng L. Anh đã ra toà. Chồng L. Anh nói cô quá độc lập và coi thường chồng, còn L. Anh thì không thể tha thứ khi chồng tìm đến người khác.
 
Trong những cuộc họp mặt của các quý bà mà tôi được tham dự, có hai chủ đề chính thường được mang ra để tâm sự: chuyện con cái và chuyện giữ chồng. Tình cảnh và kinh nghiệm của từng người thì muôn hình vạn trạng. Có bà chồng cuốn gói theo “yêu tinh” một thời gian mới chịu quay đầu là bờ, có bà thì may quá chồng mới tơ tưởng người ta chứ chưa ngoại tình, có bà thì chẳng xác định được có “người ta” nào hay không nhưng rõ ràng là chồng có tín hiệu khác thường… Và “bí kíp giữ chồng” theo đó cũng vạn trạng muôn hình.
Nhiều khi tôi tự hỏi, đàn ông có thật tệ như thế không? Có thật ông chồng nào cũng “âm ỉ” trong mình một nguy cơ sa ngã, để đến nỗi người đàn bà nào cũng phải chuẩn bị sẵn sự bao dung? Đàn ông có thật chỉ canh chừng bà vợ sơ sểnh một chút là sa chân? Đàn ông, có thật phải để các bà vợ canh chừng chồng trước “chân dài lẫn không dài” như canh chừng củi lửa, như canh chừng đứa con nhỏ trước dao kéo, nước sôi?
Tôi không muốn mang danh giữ chồng giỏi như mẹ tôi, dì tôi, em tôi… nhưng cũng không muốn thất bại khi bắt chồng phải giữ mình như bạn tôi. Mẹ tôi thường nói: cứ thả chồng đi, rồi chán chê sẽ quay về. Nhưng tôi thì không muốn vậy. Tôi không muốn chồng mình đi chán chê rồi mới quay về để sống tiếp với trái tim tan nát như dì tôi.
Tôi không muốn làm cơm nguội.
Xét cho cùng, chẳng ai giữ mình tốt hơn mình, cũng chẳng ai giữ chồng tốt hơn chồng. Phải chăng thay vì chúng ta phải cố hết sức để giữ nhau thì mỗi người đều phải giữ chính bản thân mình khỏi sa ngã, chứ không phải là giữ người khác. Như vậy không ai lệ thuộc vào ai (để phải bị tự ti), nhưng cũng không ai nắm giữ được ai (để có thể xem thường).
Chúng ta giống như hai người đồng hành cùng sánh bước trên con đường hôn nhân. Những ngã rẽ vẫn bất ngờ xuất hiện bên phía người này, và cả phía người kia, gọi mời sự tò mò, dẫn đi lạc lối. Thân ai nấy giữ, tức là ý thức rằng sự chọn lựa của ai hoàn toàn là trách nhiệm của chính bản thân người đó. Thân ai nấy giữ, là để không ai còn cho rằng mình sa ngã là vì người vợ không biết giữ eo sau khi sinh con, hay người chồng không biết ga lăng như tài tử… Để thấy rằng nhược điểm của người kia không là một lý do để biện hộ.
Những khuyết điểm, và cả mâu thuẫn phải được giải quyết ở nơi nó phát sinh: ở nhà, chứ không phải ở những ngã ba đường. Những vấn đề giữa hai người phải được giải quyết bởi hai người, tuyệt đối không giải quyết bởi người thứ ba. Thân ai nấy giữ, không phải là bớt quan tâm đến nhau, mà là thôi đổ lỗi cho nhau. Đó chính là sự tôn trọng nhau. Đó cũng là nền tảng của bình đẳng thực sự.
 
Theo SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét