Menu

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Kinh tế khó khăn, vé số đắt khách


Trước kia thường người vô công rỗi nghề hay có thu nhập thấp và không ổn định mới nuôi hy vọng thoát nghèo bằng cách đánh đề hay mua vé số. Còn hiện nay, nỗi lo thất nghiệp, giảm lương đã khiến nhiều người có thu nhập ổn định cũng mua số đánh đề cầu may.

Cầu may chỉ tốn vài ngàn
Chưa có thống kê nào đưa ra được con số chứng minh một cách thuyết phục và rõ ràng số lượng người làm việc văn phòng tham gia cá cược ngày càng tăng. Nhưng, từ những đám đông gây kẹt xe trước bảng kết quả xổ số vào mỗi giờ tan tầm, và từ chuyện của những người xung quanh, có thể thấy nhiều người đang dựa vào các con số để tìm kiếm hy vọng. Xin bắt đầu bằng lời khoe của một cụ già bán vé số dạo tại khu vực quận 1 TP.HCM: “Tui thường lui tới một số công ty để mời mua vé số. Dạo này tới những chỗ đó bán được lắm!”
Đang ăn cơm trưa, chị Thuỳ Trâm ở quận 11 vô cùng ngạc nhiên khi thấy cô bạn thời đại học hiện là trưởng phòng nhân sự một công ty bất động sản ở quận 4 gọi người bán vé số lại mua bốn tờ. Tò mò, chị hỏi bạn: “Trước giờ tui có thấy bà mua vé số đâu?” Cô bạn thở dài: “Công ty đang giảm nhân sự, hy vọng trúng được chút vốn để làm ăn”.
Tương tự, chị Mỹ Hạnh, nhân viên xuất nhập khẩu một công ty dịch vụ thương mại ở quận 10 kể, dạo này công ty làm ăn khó khăn, cắt giảm lương và đang chuẩn bị cổ phần hoá. Sợ thất nghiệp nên sẵn có bà bán vé số ngồi trước cổng, cả phòng ai cũng mua cầu may. Bà bán vé số còn kiêm luôn ghi đề, nên “giờ nghỉ trưa là mọi người xúm lại kể chuyện nằm mơ để bàn đề; coi vậy mà vui, tốn vài ngàn nhưng có hy vọng và bớt lo!”, chị Hạnh cho biết.
Chuyên viên tâm lý Trần Thị Tâm Nhàn thuộc trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt phân tích, có thể nói, đây là giai đoạn khó khăn trong tâm lý con người khi xã hội, kinh tế... xuống dốc quá nhanh mà con người chưa chuẩn bị thích ứng kịp. Trường hợp này thường xảy ra ở những người có cấu trúc nhân cách yếu, khả năng chịu đựng thất bại kém, khó thích ứng với sự thay đổi. Khó khăn về đời sống kinh tế khiến người ta rơi vào trạng thái hụt hẫng, bế tắc, mất niềm tin vào chính bản thân, không muốn hoặc không có khả năng làm thêm việc, kinh doanh, thay đổi công việc... nên đi tìm giải pháp may rủi.
Về khía cạnh xã hội, thầy Phạm Đức Trọng, trưởng khoa xã hội học đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nhận xét, đây là một vấn đề xã hội đã có từ lâu, rơi vào tất cả các nhóm người. Là hiện tượng xuất phát từ tâm lý đám đông, nhưng không là đại diện đo lường xã hội. Do cuộc sống không căn bản, tính toán không hợp lý nên đưa ra quyết định không hợp lý.
Coi chừng bị nghiện!
Xúc động vì cậu bé bán vé số có vẻ tội nghiệp, chị Kim Ngân, nhân viên một công ty quảng cáo ở quận 1 bèn mua giúp hai tờ vé số. Không ngờ, đến chiều chị trúng 200.000 đồng. Chị kể: “Bữa đó nhỏ tiếp tân cũng trúng số nữa. Cả công ty ai cũng biết nên bây giờ nhiều người xúm nhau mua”.
Từ lúc trúng số, vài ngày chị Ngân lại tìm mua vé số. Chị than: “Có bữa muốn ghé vô đại lý mua nhưng thấy giống cờ bạc quá nên ngại. Coi vậy mà khó trúng quá!”
Thầy Phạm Đức Trọng nhận xét thêm, từ việc có một người trúng rồi khoe cho mọi người biết, những người tâm lý không ổn định, bị đánh vào lòng nhẹ dạ nên chơi theo. Trúng được một, hai lần rồi dần dần bị nghiện, bỏ cả việc làm rồi đổ thừa kinh tế khó khăn.
Trên lĩnh vực tâm lý, chuyên viên Trần Thị Tâm Nhàn nhận xét, từ hy vọng được trúng số dần thành thói quen không thể thiếu, cơn nghiện hình thành. Cũng không thể bỏ qua lý do vì cay cú muốn gỡ mà ngày càng dấn sâu vào trò đỏ đen, dẫn đến hệ quả đánh mất nhân cách bản thân, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nếu đó là người cha hoặc mẹ trong gia đình thì sẽ tạo tấm gương xấu cho con, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của trẻ: thiếu ý chí vươn lên, mất niềm tin vào tương lai, đi tìm những giải pháp ảo thay vì đối diện với thực tế khi gặp khó khăn...
Xin kết thúc bằng câu cự nự của một người chị với em trai: “Tại sao nhịn ăn tô hủ tiếu gõ 10.000 đồng mà lại bỏ 95.000 đồng đánh đề để giờ mất trắng?”
SA ĐỒNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét