Menu

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Sống trong ám ảnh

TT - Cô nữ sinh vắn số 23 tuổi trong vụ cưỡng hiếp tập thể trên xe buýt tại Ấn Độ đã qua đời và được hỏa táng trong niềm tiếc thương, công phẫn của những người có lương tri. Ở Việt Nam, nhiều nạn nhân của các vụ cưỡng hiếp vẫn sống nhưng cuộc sống ngập ngụa trong ám ảnh, không khá hơn cái chết là mấy.


Trên mặt báo năm qua, ở nhiều tỉnh thành Việt Nam cũng xảy ra nhiều vụ xâm hại tình dục nghiêm trọng. Một số vụ gây phẫn nộ dư luận như vào tháng 9, sáu thanh niên cưỡng hiếp tập thể một trẻ vị thành niên 14 tuổi tại thành phố Lào Cai. Gần đây nhất, giữa tháng 11, Công an huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã bắt khẩn cấp hai tên “yêu râu xanh” - bốn ngày sau khi hai kẻ thủ ác dùng vũ lực hiếp dâm rồi bỏ mặc một thiếu nữ trên núi sau khi đóng vai người tốt cho nạn nhân quá giang.
Những kẻ phạm tội đã vào tù nhưng không phải tất cả họ đều bị trừng phạt. Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng: với nhiều nạn nhân, ký ức kinh hoàng chính là ngục tù giam hãm họ, tước đoạt cả cuộc đời họ.
Sợ hãi và chịu đựng
Yêu cầu được giấu tên khi kể câu chuyện của mình, sinh viên nữ Đ.N.Q. (23 tuổi, Trà Vinh) cho biết đến bây giờ - ba năm sau biến cố - Q. vẫn bàng hoàng vì không thể tưởng tượng người cưỡng đoạt mình lại chính là vị giảng viên mà Q. hết mực tin tưởng.
Chọn thầy T. là giáo viên hướng dẫn đề tài nghiên cứu, Q. có chuyến đi thực tế với thầy. Một hôm thầy gõ cửa phòng lúc 19g để “bàn thêm về đề tài”. Người thầy đáng kính sau một lúc “bàn đề tài” đã không còn đáng kính. Gỡ được cái ôm choàng siết, Q. vùng vẫy chạy trốn vào phòng vệ sinh. Cánh cửa bị giật tung. Q. bị lôi ra ngoài, bị đè nghiến và bất lực. Cô đang có ngày của phụ nữ nhưng gã thú điên vẫn không dừng lại...
Cô không dám vặn nước rửa sạch vết máu, run rẩy mặc lại quần áo khi tên thầy giáo đã ngủ say, trèo cổng nhà nghỉ lao mình vào bóng tối đen kịt của vùng quê hẻo lánh. “Lúc ấy mình chỉ thấy sợ hãi và ê chề, không dám nghĩ đến chuyện đánh thức chủ nhà nghỉ mở cửa hay đi trình báo công an. Mình chỉ biết chạy...” - Q. nhớ lại.
Giấu nhẹm sự việc với gia đình, Q. càng không dám tố cáo tên “yêu râu xanh” đội lốt giảng viên gương mẫu với nhà trường. “Mẹ tôi tinh thần rất yếu sau vụ ly dị với ba, lại chỉ có mình tôi là con gái, tôi e mẹ không chịu nổi nếu biết chuyện”. Q. cũng cho biết vào thời điểm bị cưỡng hiếp cô là sinh viên năm hai, vẫn còn đến hai năm học nên không dám làm to chuyện, sợ không chịu nổi áp lực từ những tin đồn và sợ kẻ cưỡng đoạt mình trả thù.
Ám ảnh đeo bám
Đến nay, mặc dù đã vượt qua chấn thương tâm lý ban đầu và trở về với cuộc sống, Q. vẫn rùng mình khi nhắc đến tên kẻ thủ ác. Cô thậm chí dị ứng với tất cả những ai trùng tên với “ông thầy” đốn mạt nọ. “Tôi sợ cả tiếng ếch nhái và quang cảnh đồng ruộng vắng lặng trên quãng đường gần bốn cây số chạy từ nhà nghỉ đến bến xe địa phương. Từ đó đến nay, chưa một lần tôi dám trở về khu vực đó dù đề tài vẫn dang dở” - Q. úp mặt vào tay.
Trong khi đó, H.T.T.T. (21 tuổi, du học sinh Mỹ) đã sống với mặc cảm không còn trong trắng suốt tám năm nay do bị anh họ cưỡng hiếp năm 13 tuổi. Nhắc đến ký ức mà T. gọi là “nhơ nhuốc”, T. chỉ thấy xấu hổ và sợ hãi. Xinh xắn, học giỏi nhưng tới giờ T. vẫn chưa nhận lời yêu ai. Quanh T. chỉ toàn bạn gái. Ba mẹ T. vẫn chưa biết chuyện. Gã anh họ vẫn nhởn nhơ cười nói trong gia đình T. “Có lẽ tôi sẽ sống độc thân. Tôi cũng không có cảm xúc với người khác phái, nếu có chỉ là kinh tởm, e dè” - T. bặm môi.
Theo thạc sĩ tâm lý học Trương Thanh Chí, văn hóa phương Đông trọng danh dự và trinh tiết nên phụ nữ thường có tâm lý sợ hãi, xấu hổ nếu bị xâm hại, quấy rối tình dục, ít ai dám tố cáo kẻ đồi bại. Với họ, sự ê chề khủng khiếp hơn đòi công lý. Những án tù với kẻ thủ ác - nếu công lý được thực thi - cũng khó làm nguôi ngoai nỗi đau tinh thần trong họ. Tâm lý chung của phụ nữ Việt Nam thường là nhẫn nhịn, chịu đựng, lẩn tránh cũng là một nguyên nhân dẫn đến nhiều nạn nhân chọn cách im lặng, chịu ám ảnh giày vò chứ không dám lôi kẻ thủ ác ra ánh sáng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét